Ai cũng biết, trà là thức uống được người Việt dùng mỗi ngày, mỗi năm thậm chí là mỗi đời truyền cho nhau. Từ những cốc trà bên hè phố thơm ngát cho đến ấm trà trên bàn trà trang nhã trong mỗi gia đình hay những tách trà thơm hảo hạng trong các nhà hàng sang trọng. Tất cả đều quen thuộc, đều thể hiện rõ phong cách mê trà của người Việt ta. Chén trà Việt là hiện thân cho khởi đầu của những cuộc gặp gỡ hàn huyên giữa bạn bè, tri kỷ. Song, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc trà đạo Việt Nam.
Nguồn gốc của trà đạo Việt Nam
Cũng như trà đạo Nhật Bản, bàn trà của người Việt Nam cũng được du nhập từ Trung Hoa về từ khoảng hơn 4.000 năm trước. Tuy nhiên, câu chuyện này được coi là mang tính huyền sử, thần thoại nhiều hơn là sự thật lịch sử. Theo đó, lịch sử nói rằng, vua Thần Nông trong một chuyến tuần thú phương Nam đã vô tình thưởng thức nhằm một thứ lá cây trong nồi nước đang sôi sùng sục. Sau đó, thứ nước này giúp vua thoải mái, sảng khoái hơn và tinh thần phấn chấn. Vì thế, ông gọi đó là chè và cho sai người hái về gieo trồng, phát triển nên.
Nguồn gốc trà đạo Việt Nam có lẽ ra đời từ những năm Việt Nam trở thành một tỉnh của người Trung Quốc. Họ đã thuần hóa mình bằng ngôn ngữ và nền văn hóa của họ suốt 1000 năm. Tuy nhiên, dù có như thế nào, văn hóa uống trà của người Việt ta vẫn có những nét đặc trưng riêng không pha lẫn vào đâu được. Nét phong cách uống trà Việt thể hiện một tinh thần dân tộc bất khuất, không thuần phục trước một quốc gia nào.
Hiện nay, thú vui uống trà của người Việt vẫn còn phát triển và giữ được những nét đẹp truyền thống. Trà xanh được đánh giá là loại trà có cả một kho tàng các hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, trà được trồng nhiều ở Thái Nguyên, Lâm Đồng,… với giống tốt và cho ra tách trà có hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được.
Văn hóa uống trà của người Việt
Thế giới trà vô cùng đa dạng với nhiều loại trà thơm ngon, quý hiếm như: Trà sen, trà lài, trà bạch ngọc, trà long nhãn, trà nhân sâm,… Người ta biến tấu nhiều vô số kể để làm tăng hương vị cho trà. Song, người Việt xưa thường thích dùng trà nguyên thủy, trà mộc hơn là trà ướp với nhiều hương liệu khác nhau.
Theo đó, họ uống trà theo các phong cách riêng, mỗi phong cách lại có những văn hóa khác biệt. Chẳng hạn, uống trà độc ẩm là uống một mình, ngồi ngẫm sự đời, nhâm nhi từng tách nhẹ kết hợp cùng đọc sách. Hay đối ẩm, là uống trà 2 người, cùng thưởng thức trà ngon, bình phẩm về trà, ngâm thơ, đối đáp,… Ngoài ra, trà đạo Việt còn có nghệ thuật uống trà quần ẩm, là uống trà nhiều người. Đây là văn hóa thuần chất nhất của người Việt mà không giống một quốc gia nào trên thế giới.
Các quy tắc pha trà đúng chuẩn người Việt Nam
Cách pha trà của người Việt cũng khác với người Nhật Bản hay người Trung Hoa, là dùng nước mưa hay nước suối, thậm chí có người còn dùng nước sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai để pha trà. Vì người xưa cho rằng, đây là những thứ nước tinh túy nhất từ thiên nhiên không vướng bụi trần, tinh khiết tuyệt đối.
Cách đun nước cũng cầu kỳ, kỹ lưỡng, đầu tiên phải đảm bảo nước phải không quá sôi, vì như thế sẽ không đảm bảo giữ được độ thanh tĩnh và làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Quan niệm của người Việt là “nhất thủy, nhì trà”, do đó cách đun nước pha trà vô cùng được chú trọng.
Ấm trà đối với người Việt cũng vô cùng quan trọng, chúng phải rất riêng, rất độc đáo và đậm tính nghệ thuật. Khi uống trà, các bậc tiền nhân thường đưa tách trà qua mũi trước để tận hưởng hương vị trà. Sau đó, ho mới nhấp một ngụm trà nhỏ để cảm nhận vị đắng chát, chân răng cảm thấy như chặt lại, miệng chép liền mấy cái. Lúc này, họ mới nuốt vào và cảm nhận thêm vị ngọt dịu của trà trong khoang miệng.
Về không gian thưởng trà theo phong cách Việt, người xưa chuộng không gian rộng, thoáng đãng, giữa trung tâm là một bàn trà nhỏ với đầy đủ dụng cụ pha trà tinh tế, sắc sảo. Không gian này đòi hỏi phải có sự yên tĩnh của đất trời, mang hơi hướng thiền, tao nhã để người uống có thể thưởng trà một cách ung dung, bàn luận về sự đời về trà.