Tìm hiểu về trà và văn hóa thưởng trà ở Hàn Quốc

Hàn Quốc không chỉ là đất nước nổi tiếng với văn hóa độc đáo, âm nhạc K-pop sôi động hay các tập đoàn lớn nổi tiếng như Hyundai, Samsung… mà thú vị hơn Hàn Quốc còn cho du khách từng đến thăm đất nước này biết tới hình ảnh những cánh đồng trà xanh bát ngát cực kì hấp dẫn. Vậy bạn có từng thử qua trà hoặc các sản phẩm từ trà tại Hàn Quốc chưa? Với bài viết dưới đây mình sẽ cung cấp đến bạn một vài thông tin liên quan tới trà cũng như việc thưởng trà ở Hàn Quốc như thế nào nha. Nếu bạn tò mò thì hãy theo chân mình cùng khám phá nhé!

Thưởng trà đã trở thành một phần trong văn hóa Hàn Quốc. Người ta tin rằng việc trồng trà có quy hoạch bắt đầu từ khi các nhà sư Phật giáo mang theo những hạt giống trà của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến (cụ thể là ở thời nhà Đường vì giới quý tộc lẫn bình dân lúc này đã biết coi trọng trà), một vài ngôi chùa Phật giáo lâu đời tại Hàn Quốc như Hwaeomsa, Bulgapsa,… có thể là nơi khai sinh ra truyền thống thưởng trà ở xứ Kimchi. Theo nhiều tài liệu lịch sử mô tả thì vua Suro (vị hoàng đế thành lập nên Vương triều Gaya) và nữ hoàng Seondeok (người cai trị Vương quốc láng giềng Silla) từng uống những tách trà xanh thơm mát được trồng tại chính quốc sau khi du nhập từ Trung Quốc sang. Thậm chí dưới đời vua Heungdeok, hạt giống trà còn được gửi lên trồng trên núi Jirisan.

Văn hóa trà tiếp tục mở rộng hơn ở thời Goryeo khi trở thành nghi lễ lớn tại các lễ hội như Yeondeunghoe (Lễ hội đèn lồng hoa sen) hay Palgwanhoe (Lễ hội của 8 lời thề), đến sứ thần nhà Tống tên Xu Jing (1091-1153) khi có dịp ghé thăm Goryeo vào năm 1123 cũng viết lại trong tài liệu Xuanhe Fengshi Gaoli Tujing (nôm na là cuốn sách minh họa về Cao Ly), ông kể rằng người Goryeo rất thích uống trà và họ sẽ uống 1 ngày 3 lần. Sang triều đại Joseon, văn hóa thưởng trà được tầng lớp hoàng gia, quý tộc áp dụng, biến nó thành hình thức trà đạo mà tới tận ngày nay vẫn còn giữ gìn với tên gọi Darye. Phong tục này được dân thường dùng vào các nghi lễ tổ tiên ở cuối thời Joseon. Mãi tới năm 1924, quán trà hiện đại lần đầu chính thức ra mắt phục vụ nhu cầu thưởng trà dần phổ biến tại thời điểm đó.

20210909_tra_pvdd_vn_article_002

Ở Hàn Quốc, người ta cho rằng trà được du nhập theo con đường Phật giáo từ Trung Quốc sang và bắt đầu được biết đến từ thời kì Tam Quốc. (Ảnh: Unsplash)

Khu vực trồng trà có lịch sử lâu đời (bắt đầu từ thế kỉ thứ IX), nơi sở hữu nhiều bụi trà hoang dã nhất tọa lạc ở huyện Hadong và núi Jirisan. Ngoài ra, Boseong – một huyện thuộc tỉnh Jeollanam-do cũng cực kì nổi tiếng bởi việc trồng nên những lá trà xanh chất lượng, sản lượng trà của Boseong chiếm tỉ lệ hơn 1/3 sản lượng số trà xanh tại Hàn Quốc. Các đồn điền trà ở Boseong phát triển vượt trội vào thời kì thuộc địa Nhật Bản năm 1930 nhưng đến 1945 sau khi kết thúc chế độ thuộc địa thì những đồn điền này bị bỏ hoang.

Mãi tới 1957, một doanh nhân có tên Jang Young-seob đã thành lập đồn điền trà Daehan Dawon, từ đó mang lại sức sống, khôi phục việc sản xuất trà tại Jeolla-do. Khác với Boseong, ngành sản xuất trà ở đảo Jeju nổi lên từ 1970, do điều kiện thổ nhưỡng (đất núi lửa) đi kèm khí hậu thuận lợi đã tối ưu hóa năng suất thu hoạch trà trong vùng. Bên cạnh đó, Jeollanam-do còn là khu vực làm ra bột trà xanh (matcha) có tiếng tại Hàn Quốc với màu xanh sắc nét kết hợp vị cỏ đậm đà.

20210909_tra_pvdd_vn_article_003

Đồn điền trồng trà Daehan Dawon xanh mướt mắt ở huyện Boseong thuộc tỉnh Jeollanam-do. (Ảnh: Pixabay)

Nếu Boseong hay Jeju áp dụng các kĩ thuật công nghiệp và cơ giới vào sản xuất trà thì tại Hadong vẫn tiếp tục lưu giữ cách thức sản xuất trà truyền thống có chất lượng trà thủ công hàng đầu, đặc biệt là Balhyocha – loại trà đặc biệt được bán oxy hóa, sở hữu màu vàng đẹp mắt tựa hổ phách tùy vào mức độ bị oxy hóa của nó, thứ trà này mang tới người dùng hương vị êm dịu hòa lẫn giữa vị gỗ tự nhiên cùng những nốt hương cacao quyến rũ.

Trà xanh ở Hàn Quốc được làm bằng 2 phương pháp (tùy thuộc nguồn gốc lá trà và quy mô đồn điền sản xuất trà) bao gồm:

– Deoukkumcha (trà xanh áp chảo hoặc trà rang bằng chảo): phương pháp rang trà này hoàn toàn thực hiện bằng tay trên chảo nóng, nó tốn khá nhiều công sức nên giá thành của trà rang bằng chảo sẽ cao hơn loại trà hấp bằng máy, lá trà trong quá trình rang dần chuyển màu nâu, trà xanh rang sở hữu hương thơm nồng nàn cùng vị ngon khó cưỡng đặc trưng.

– Jeungjecha (trà xanh hấp): phương pháp hấp trà xanh cho ra loại trà có màu xanh đậm nguyên bản đi kèm vị cỏ tươi có thể tiếp thêm sinh lực cho người dùng, đồng thời công đoạn làm trà hấp nhanh gọn, đỡ tốn thời gian hơn trà xanh rang.

20210909_tra_pvdd_vn_article_004

Matcha là loại trà xanh được làm theo phương pháp hấp trà Jeungjecha sau đó sấy khô rồi nghiền mịn thành bột. (Ảnh: Unsplash)

Ngoài ra, trà xanh ở Hàn Quốc được phân thành 4 loại theo mùa hái trà:

– Woojeon (nghĩa đen là “trước cơn mưa”): đây là loại trà lấy từ những chiếc lá non thu nhặt bằng tay trước trận mưa xuân đầu tiên (khoảng 20/4 hằng năm, ngày này được gọi bằng thuật ngữ tiếng Hàn, Gokwoo).

– Sejak: loại trà thu hoạch từ chồi và lá non 2 tuần sau ngày Gokwoo.

– Joongjak: loại trà lấy từ những chiếc lá vừa hé mở thu hoạch trong vòng 2 tuần sau ngày 5/5 (ngày này được gọi bằng thuật ngữ tiếng Hàn Ipha với ý nghĩa “lối vào mùa hè”).

– Daejak: loại trà lấy từ những chiếc lá “trưởng thành” trong suốt mùa hè, bao gồm cả thân, cành. Người ta có thể thu nhặt Daejak nhanh bằng máy.

20210909_tra_pvdd_vn_article_005

Thu hoạch trà ở Hàn Quốc sẽ khác nhau theo từng mùa hái trà trong năm. (Ảnh: Freepik.com)

Vậy ngoài trà xanh (tiếng Hàn có tên Nokcha) thì Hàn Quốc còn bao gồm các loại trà gì khác? Mặc dù phần lớn trà tại xứ Kimchi đều là trà xanh, nhưng trong số đó còn tồn tại một số loại trà như Hongcha (trà đen), Balhyocha (trà bán oxy hóa), Tteokcha (trà lên men), Matcha (mạt trà – loại trà nghiền mịn thành bột từ lá trà non đã hấp chín, sấy khô), Genmaicha (trà xanh trộn với gạo lứt rang).

Cùng với lịch sử sản xuất trà lâu đời, do đó văn hóa thưởng trà cũng phát triển không kém. Tiêu biểu là nghi thức thưởng trà gọi chung bằng thuật ngữ Darye đã có từ hơn 1500 năm trước. Khi thưởng thức trà đạo chuẩn phong cách Hàn Quốc, bạn cần chuẩn bị 10 loại trà cụ ví dụ như: ấm trà, tách trà, bát làm mát, muỗng trà, khay trà,… Tùy vào mùa lẫn dịp dùng trà mà trà cụ có thể làm từ kim loại hoặc gốm, nó sẽ khác màu dựa vào tôn giáo: ví dụ các học giả dùng trà cụ màu trắng đi kèm hoa văn chìm, trong khi nhà sư lại dùng trà cụ màu xanh ngọc hoặc màu đồng ở những buổi lễ của họ. Trà đạo Hàn Quốc bao gồm một số bước chính:

20210909_tra_pvdd_vn_article_006

Trà đạo Hàn Quốc là một nghệ thuật đầy tinh tế, khéo léo từ công đoạn tráng rửa trà cụ, pha trà, rót trà đến thưởng thức hương vị của trà. (Ảnh: Pixabay)

– Trà sư sẽ dùng nước nóng tráng qua ấm trà và tách trà.

– Sau đó, trà sư bỏ lá trà vào ấm rồi đổ nước nóng lên.

– Giữ cho trà ngâm trong ấm tầm 30 giây, tiếp đó trà sư cẩn thận rót một lượng trà vừa đủ ra tách.

– Người dùng cầm tách trà bằng cả 2 tay, kiểm tra màu, ngửi rồi nhấp một ngụm, nếm một lúc trong miệng, sau đó mới nuốt để tận hưởng dư vị. Quá trình diễn ra nhiều lần tới khi cảm nhận hết hương vị từ lá trà.

Bên cạnh trà lá làm từ trà xanh thì ở Hàn Quốc còn tồn tại khá nhiều loại trà độc đáo thơm ngon đa dạng khác như trà thảo mộc: ví dụ Baegyeop-cha (trà lá thông), Bakha-cha (trà bạc hà)…; trà hoa: ví dụ Gukhwa-cha (trà hoa cúc), Maehwa-cha (trà hoa mận)…; trà trái cây: ví dụ Daechu-cha (trà táo tàu), Mogwa-cha (trà mộc qua)…; trà ngũ cốc, các loại đậu / hạt: ví dụ Memil-cha (trà kiều mạch), Bori-cha (trà lúa mạch)…; trà từ rễ, chồi, vỏ cây: ví dụ Insam-cha (trà nhân sâm), Yeongeun-cha (trà củ sen)…; trà hỗn hợp: ví dụ Gyulgang-cha (trà vỏ quýt mật ong), Jeho-tang (loại trà làm từ mật ong cùng với một vài thành phần bao gồm mận chưa chín hun khói, thảo quả đen, gỗ đàn hương trắng, sa nhân đỏ)…

20210909_tra_pvdd_vn_article_007

Gyulgang-cha hay trà vỏ quýt mật ong là một loại trà hỗn hợp thơm ngon, thanh mát, lại tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Korea.net)

Do độ phổ biến của trà xanh ở Hàn Quốc, đồng thời trà xanh còn mang tới vô vàn công dụng như: hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa ung thư, chống viêm… nên người dân đất nước này đã biết kết hợp trà xanh với nhiều thứ từ các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm, đến việc pha trà xanh vào suối nước nóng để phục hồi sức khỏe…

20210909_tra_pvdd_vn_article_008

Trà xanh kết hợp cùng kem đá bào bingsu mát lạnh tạo nên món tráng miệng thơm ngon được giới trẻ Hàn ưa thích mỗi khi hè về. (Ảnh: Pixabay)

Qua bài viết, có lẽ bạn đã cảm nhận phần nào về giá trị quan trọng mà trà xanh mang lại cho Hàn Quốc. Văn hóa thưởng trà không chỉ là nghi lễ mang tính hình thức mà nó còn nói lên phong cách sống đầy tinh tế của người dân xứ Kimchi. Hãy thử một lần tận hưởng hương vị trà Hàn Quốc để hiểu rõ thêm ý nghĩa độc đáo ấy nhé!

Share your love