Trung Quốc là cái nôi của trà đạo, trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt mà còn chữa được bệnh. Đối với người Trung, thưởng trà đã trở thành nét văn hóa ngàn năm lịch sử. Việc thưởng trà cũng là một nghệ thuật. Để có thể có được một ấm trà ngon, không đơn giản chỉ là nguyên liệu tốt. mà còn là thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật pha trà, sự kết hợp hài hòa giữa trà và Đạo.
Thưởng trà là một thói quen có tự ngàn đời không thể thiếu trong sinh hoạt của người Trung Hoa.
Người Trung Quốc uống trà đã có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trong sinh họat hằng ngày của người Trung Quốc không thể thiếu một loại nước giải khát đó là trà, tục ngữ có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống, có thể thấy được uống trà là điều rất quan trọng. Dùng trà để tiếp khách là thói quen của người Trung Quốc. Khi có khách đến nhà, chủ nhà liền bưng một chén trà thơm ngào ngạt cho khách, vừa uống vừa chuyện trò, bầu không khí rất thoải mái.
Tại sao nói thưởng trà là một nghệ thuật?
Không chỉ đơn giản là một thói quen uống trà bình thường mà thưởng trà còn được nâng lên thành một nét nghệ thuật từ cách pha trà cho đến uống trà.
Có nhiều cách để pha một ấm trà. Đơn giản thì cho trà vào tách sau đó đổ nước sôi vào chờ vài giây rồi có thể mang ra thưởng thức. Để có một ấm trà ngon, thì việc chuẩn bị nguyên liệu trà lá trà phải lựa để phơi khô phải là lá trà khỏe, tươi không bị dập nát, trải qua quá trình sơ chế, sao khô hạ thổ. Nước pha trà có thể là là nước giếng, nước mưa hay nước suối… Nếu tinh tế hơn người ta còn dùng một mạch nước nhỏ từ trong lòng núi chảy ra, hay nước từ những giọt sương sớm từ những cành hoa, ngọn cây pha trà nên trà có hương vị đặc biệt khác lạ. Ấm và chén dùng để pha trà thường được dùng là gốm sứ, có tính giữ nhiệt và đảm bảo vị tươi ngon và lưu giữ tốt nhất hương thơm của trà, chén uống trà nên để chén loại nhỏ, chỉ vừa đủ 1-2 ngụm trà, uống trà nhâm nhi để cảm nhận hương vị của nó từ đầu lưỡi đồng thời chén trà nhỏ đủ uống để người uống được uống trà nóng.
Cách uống trà là không thống nhất một kiểu, mỗi vùng miền, địa phương lại có cách thưởng thức trà, có văn hóa trà đạo khác nhau. Nếu như người Bắc Kinh thích dùng trà hoa nhài. Nhưng ở Thượng Hải, Chiết Giang thì người dân tại đây lại thích uống trà xanh, Phúc Kiến thì trà đen còn người miền Nam tỉnh Hồ Nam thì lại dùng trà gừng muối để tiếp khách.
Về nghi lễ dùng trà thì mỗi vùng miền lại có nghi lễ riêng. Như tại Bắc Kinh nếu bạn là người được mời trà thì một vị khách như mình nên đứng dậy tay đỡ chén trà, sau khi nói cảm ơn thì mới uống. Còn ở khu vực Quảng Đông bạn nên khum tay lại để đón nhận ly trà từ chủ nhà sau đó gõ gõ 3 lần vào bàn để thể hiện sự cảm ơn.
Ngoài ra, không gian thưởng trà cũng rất quan trọng thường là phòng kín hoặc hoa viên. Nếu là phòng kín thì trong phòng thường được treo tranh, thơ, câu đối, những bức họa thư pháp, hay những lời dạy của cổ nhân, và thường không thể thiếu là một bức họa phong cảnh lớn. Phòng trà này thường được trang trí rất tinh tế và trang nhã. Mang lại cảm giác hòa mình vào thiên nhiên nhưng không kém phần ấm cúng. Đặc biệt hơn trong phòng thường được bày một lư trầm, hương thơm lan tỏa khắp phòng, cùng với phong thái thưởng một chén trà ngon, giúp cho con người cân bằng thân thể, thư thái và buông bỏ phần mệt nhọc. Nhưng nếu không gian thưởng trà là hoa viên, hay còn gọi là viên trà, thì lại hoàn toàn khác, người thưởng trà được ngồi giữa một hoa viên có nước có hoa, phong cảnh hữu tình, trà lúc này không thể dịu nhẹ như trà dùng nơi thư phòng, ấm trà ở đây thường là đặc hơn, giữ nhiệt tốt hơn.
Thưởng trà của người xưa không đơn giản chỉ là uống trà, mà còn là một nét tinh tế, cảm nhận từng vị của trà, nhâm nhi chén trà mà tương tư về kiếp nhân sinh, thưởng và bình phẩm về một tác phẩm hội họa, đàm thoại đôi điều về lời dạy của cổ nhân, đôi khi tức cảnh sinh tình mà đưa ra câu đối, hoặc vì ngẫu hứng mà nghe đàn tì bà hay cổ cầm. Có thể nói, thưởng trà được nâng lên sự tinh tế tuyệt vời của nghệ thuật, tao nhã đến thanh khiết.
Trà đạo không chỉ là nghệ thuật thưởng trà mà nó chính là sự tu luyện tâm tính và mang ý nghĩa thâm sâu
Trà Đạo đòi hỏi khá phức tạp từ khâu chuẩn bị dụng cụ tới cách pha chế, hay tâm tính của người pha chế trà. Đó là sự kết hợp nhiều công đoạn khác nhau như rửa trà, tráng ly, lọc trà rồi rót trà. Mùi cũng như hương vị của trà sẽ quyết định tất cả, đó là điều quan trọng nhất để bạn có thể đánh giá một tách trà có ngon hay là không?
Nghệ thuật Trà đạo là một loại nghệ thuật “Trung gian”, lấy trà làm phương tiện truyền đạt, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí khí thanh cao. Đó là: Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm hay còn gọi là trà đạo lục sự.
Trong trà đạo tâm tính là vấn đề rất được coi trọng. Để đạt được điều đó thì vấn đề tâm tính phải được rèn giũa, tôi luyện từ việc nhỏ nhất cũng cần dùng tâm ý để làm. Khi người ta tâm huyết làm nên một điều gì đó, người thưởng ngoạn cũng cảm nhận được sự tinh tế và khéo léo của người làm ra nó. Bởi vậy mà người xưa thường dùng tâm mà làm mọi việc. Tâm càng tĩnh thì làm việc hiệu quả càng tốt đẹp.
Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, hiểu được rằng con người sinh ra không phải là hưởng phúc, mà chính là chịu khổ mà hành thiện, để rồi chịu khổ mà buông bỏ tham chấp bản thân, để trở về với cái ban đầu vốn là tốt đẹp. Sau vị đắng của trà sẽ cảm nhận được vị ngọt nơi cổ họng, đó chính là, gian khổ trong tu luyện đã qua đi, tư tưởng từng ngày thăng hoa đề cao.
Ngoài ra trà Đạo còn được dùng trong điều trị bệnh. Trà thì đắng, nhưng lại là đắng có ý vị, trong Y học cổ truyền Trung Hoa, đắng bổ tâm, tức vị đắng của trà là bổ tim huyết. Theo tập quán của người Trung Quốc, mùa lạnh nhiệt độ hạ xuống sâu, buộc họ phải ăn nhiều đồ cay nóng, và ăn nhiều dầu mỡ, dùng trà để cân bằng lại âm dương cơ thể, mùa hè lại khắc nghiệt, nên bào chế ra nhiều loại trà thảo mộc làm mát cơ thể. Đặc tính của Trà là đắng, Trà đắng mang tính hàn, cực kỳ tốt khi dùng để kháng lại tính hỏa, nhờ vậy bệnh tật có thể được thanh trừ.