Trà đạo là gì?
“Trà đạo” là “việc thưởng trà, đàm đạo“. Trà đạo được xem là một nghệ thuật về triết lí, thưởng thức cuộc sống và mang nhiều nhân văn sâu sắc. Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo truyền thuyết của Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa.
Nghệ thuật trà đạo
Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà.
Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật.
Từ việc đơn giản uống trà, chuyển sang cách pha và uống trà, rồi nghi thức thưởng thức trà cho đến khi đúc kết thành trà đạo, đây là một tiến trình không ngừng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo lý với ý nghĩa đích thực của từ này.
Hiển nhiên ở đây trà đạo không đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính và nhập định thiền để đạt giác ngộ.
Thực hiện nghi thức trà đạo
1. Trà Thất
Là một căn phòng có kích thước nhỏ nhất khoảng 3x3m. Trong phòng có trải những tấm tatami hay chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông bởi 8 mảnh 0.75×1.5m, trông rất đẹp và trang nhã.
– Cách bày trí các đạo cụ trong Trà Thất
Tranh, thơ, câu liễn: Là những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hay những bài thơ, câu liễn được treo, dán trong Trà Thất. Nó sẽ làm tăng thêm phần trang trọng cho Trà Thất.
Hoa: Thường được cắm trong bình, lọ hay dĩa nhỏ, được đặt ở giữa phòng hay đặt dưới bức tranh trong phòng. Nó có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên cho người tham gia.
Lư trầm: Được đặt ở góc phòng hay dưới bức tranh hoặc giữa phòng. Nhưng thường lư trầm được đặt ở góc phòng. Trầm hương có tác dụng làm cho căn phòng có được mùi hương thoang thoảng phảng phất nhẹ nhàng, khiến cho mọi người được thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu. Các đạo cụ trên được xếp rất gọn gàng, không chiếm diện tích của phòng trà, tạo sự cân bằng, hòa hợp theo phong thủy.
2. Trà Viên
Là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng thức trà. Nhưng loại hình này ít được thông dụng như Trà Thất bởi tính cầu kỳ của nó đòi hỏi cách bày trí khu vườn thật khéo, làm sao cho khu vườn vẫn còn được nét tự nhiên để người tham gia Trà Đạo không có cảm giác bị rơi vào một cảnh giả do bàn tay con người tạo ra. Trong Trà Viên thì ít khi có các tấm chiếu hay thảm vì mọi người thường ngồi trên thảm cỏ trong vườn.
– Cách bày trí đạo cụ trong Trà Viên
Hoa, Lư Trầm: Thường được đặt ở giữa chỗ ngồi họp nhóm của những người tham gia.
Trong vườn thì có các loài cây như: Hoa anh đào, hoa mai, hoa mơ, tùng, liễu. Những loài cây này dễ tạo cảm hứng thi phú cho người xem trong quá trình đàm đạo, đối ẩm.
Bên cạnh đó là các hòn non bộ, những tảng đá lớn, chậu nước cũng được sắp xếp theo bố cục chặt chẽ, thể hiện sự cân đối Âm – Dương trong phong thủy.
Đạo cụ dùng trong việc pha chế và thưởng thức trà đạo
– Trà: Tùy theo hệ phái nào mà trà được sử dụng có sự khác biệt.
– Maccha (まっちゃ) – trà bột
Người ta hái những lá trà non đem đi rửa sạch, phơi ráo nước và xay nhuyễn thành bột. Vì thế trà có màu xanh tươi và độ ẩm nhất định chứ không khô như các loại trà lá. Khi uống, bột trà được đánh tan với nưới sôi.
– Trà nguyên lá: Chỉ lấy nước tinh chất từ lá trà. Lá trà được phơi khô, pha chế trong bình trà, lấy tinh chất, bỏ xác. Thường sử dụng loại trà cho nước màu vàng tươi hay màu xanh nhẹ.
– Phụ liệu trong trà đạo: Ngoài nguyên liệu chính là trà bột hay trà lá, người pha chế còn cho thêm một số thảo dược, các loại củ quả phơi khô, đậu để làm tăng thêm hương vị cho chén trà, hay quan trọng hơn là mang tính trị liệu, rất có lợi cho sức khỏe, giúp người bệnh mau hồi phục thể chất lẫn tinh thần.
– Nước pha trà: Thường là nước suối, nước giếng, nước mưa, hay nước đã qua khâu tinh lọc.
– Ấm nước (お釜): Dùng đun nước sôi để pha trà, thường được làm bằng đồng để giữ độ nóng cao.
– Lò nấu nước (焜炉)
Bếp lò bằng đồng thường dùng than để nấu. Nhưng ngày nay người Nhật đã thay than bằng một bếp điện để bên trong lò đồng.
– Hũ đựng nước (水差し): Dùng để đựng nước lạnh khi pha trà.
– Chén trà (茶碗): Chén dùng để dựng trà cho khách thưởng thức. Chén được làm bằng men, công phu, tỉ mỉ và mỗi chén có những họa tiết độc đáo riêng. Vì thế mà trong khi làm một buổi tiệc trà, không có hai chén trà giống nhau.
Các nghệ nhân làm chén cũng đưa chủ đề thiên nhiên, thời tiết vào trong tác phẩm của mình, vậy nên có thể dùng chén phù hợp cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông.
Mùa xuân: chén có những hoa văn mùa xuân như hoa anh đào.
Mùa hạ: là mùa nóng nên chén trà có độ cao thấp hơn, miệng rộng hơn chén trà mùa xuân để dễ thoát hơi nóng.
Mùa thu: chén có hình dạng giống chén mùa xuân, có hoa văn đặc trưng cho mùa thu như lá phong, lá momizi.
Mùa đông: là mùa lạnh nên chén có độ dày và cao hơn các chén mùa khác để giữ nóng lâu hơn. Màu sắc của men cũng mang gam màu lạnh.
– Kensui (建水): Chậu đựng nước rửa chén khi pha trà, được làm bằng men và to hơn chén trà một chút.
– Hũ, lọ đựng trà (なつめ): Hủ, lọ dùng để đựng trà bột, được trang trí họa tiết rất đẹp, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt nhưng cũng mang tính thẩm mĩ cao. Trên nắp hũ, đôi khi bắt gặp hình quạt giấy, hình hoa lá, tre, trúc.
– Khăn fukusa (ふくさ): Khăn lau hủ, lọ trà và muỗng trà khi pha trà.
– Khăn chakin (茶巾): Khăn lau chén trà khi pha trà, được làm bằng vải mùng màu trắng.
– Khăn kobukusa (こぶくさ): Khăn dùng để kê chén trà. Khi đem trà cho khách thưởng thức, dùng khăn để lên tay, sau đó đặt chén trà lên để giảm bớt độ nóng từ chén trà xuống tay, sau đó mang chén trà cho khách.
– Muỗng múc trà (茶杓): Chiếc muỗng bằng tre, dài, một đầu uốn cong để múc trà.
– Gáo múc nước: Chiếc gáo bằng tre, nhỏ, dài để múc nước từ trong ấm nước, hủ đựng nước ra chén trà.
– Cây đánh trà (茶筅): Dùng để đánh tan trà với nước sôi. Được làm từ tre, ống tre được chẻ nhỏ một đầu thành nhiều cọng tre có kích thước nhỏ khoảng 1mm.
– Bình trà
Để pha trà lá
– Tách trà nhỏ: Để thưởng thức loại trà lá.
– Bánh ngọt: Dùng bánh trước khi uống trà sẽ làm cho khách cảm nhận hương vị đậm đà đặc sắc của trà.
“Hội trà”: Cách thưởng trà theo quy tắc của trà đạo
Quy tắc 1: “Osakini”
Những người không hiểu về trà đạo thường sẽ là người đón nhận việc thưởng thức trà trong các buổi tiệc trà. Có nhiều quy tắc khác nhau tùy theo từng phái nhưng đa số các phái thì với người thưởng thức trà thường sẽ có quy tắc chung là “Osakini”.
Trong buổi tiệc trà, trước tiên sẽ có bánh truyền thống Nhật, sau khi ăn bánh xong, chén trà với matcha bên trong sẽ được xoay vòng theo thứ tự như vị trí ngồi. Khi bánh và trà xoay vòng đến vị trí của mình, các bạn sẽ nói “Osakini” rồi nhận lấy. Câu này có nghĩa là “Tôi xin phép trước” thể hiện sự chu đáo với người ngồi cùng. Quy tắc trong trà đạo rất quan trọng.
Quy tắc 2: Tránh mặt chính của chén trà quan trọng khi uống
Các bạn hãy bẻ từng chút bánh một để có thể ăn hết trước khi trà xoay vòng đến vị trí của mình. Khi đó các bạn lưu ý không uống từ phía chính diện của chén trà. Các bạn phải xoay chén trà hướng phía chính diện về phía khách. Người nhận sẽ xoay chén trà để lệch khỏi phía chính diện khi uống sao cho có thể vừa thưởng thức các hình vẽ, hoa văn ở phía chính diện, vừa không được làm dấy bẩn phía chính diện của chén trà rất quan trọng này, đó chính là quy tắc của trà đạo.
Nói một cách cụ thể là bạn sẽ cầm chén trà bằng tay phải, đặt lên lòng bàn tay trái. Tiếp đó các bạn sẽ xoay chén trà trên tay từng chút một theo chiều kim đồng hồ. Sau đó uống trà ở vị trí lệch khỏi phía chính diện. Các bạn cũng lưu ý là không uống hết 1 hơi mà thông thường sẽ uống làm 3 ngụm rồi trả lại chén trà dân dã.
Như vậy, trong văn hóa của phương Đông, trà đạo vừa ẩn chứa vẻ đẹp tinh anh và thanh tao của Phật giáo, vừa ẩn chứa vẻ đẹp thầm kín huyền ảo của Đạo giáo, lại vừa ẩn chứa vẻ đẹp nho nhã hàm xúc của Nho gia. Nói một cách ngắn gọn, “trà đạo” ẩn chứa nội hàm của tu dưỡng. Vậy mới nói, văn hóa giống làn gió xuân, âm thầm nuôi dưỡng để hình thành nên bông hoa tinh khiết tuyệt vời – và đó chính và văn hóa trà đạo.